CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CẢNG VỤ HÀNG HẢI TT HUẾ

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:   152/QĐ-CVHHTTH

Thừa Thiên Huế, ngày 09 tháng 02 năm 2018

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành nội quy cảng biển Thừa Thiên Huế


 

GIÁM ĐỐC CẢNG VỤ HÀNG HẢI THỪA THIÊN HUẾ

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;

Căn cứ Quyết định số 04/QĐ-TCCBLĐ ngày 07 tháng 7 năm 1995 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về việc thành lập Cảng vụ Thuận An (Nay là Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế);

Căn cứ Công văn số 578/CHHVN-PC ngày 07 tháng 02 năm 2018 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc phê duyệt Nội quy cảng biển thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế;

Theo đề nghị của Trưởng phòng Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Nội quy cảng biển Thừa Thiên Huế".

Điều 2.

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ Quyết định số 359/QĐ-CVTHH ngày 01 tháng 12 năm 2007 của Giám đốc Cảng vụ Thừa Thiên Huế ban hành Nội quy các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế và các quy định trước đây của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế liên quan đến hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế trái với Nội quy này.

Điều 3. Trưởng các phòng: Pháp chế, Thanh tra - An toàn an ninh hàng hải, Tổ chức - Hành chính, Tài vụ, Trưởng đại diện và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:                                                                                   

- Như Điều 3;                                                              

- Cục Hàng hải Việt Nam;

- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế;

- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên Huế;                              

- Trạm Kiểm dịch động vật, thực vật;

- Cty CP Cảng Thuận An;

- Cty CP Cảng Chân Mây;

- Cty TNHH MTV Hào Hưng Huế;

- Cty CP Rainbow Việt Nam;

- Cty CP Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế;

- Hoa tiêu khu vực IV;

- Các đại lý hàng hải;

- Lưu: VT, PC.

  GIÁM ĐỐC

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Ân Định

 

 

NỘI QUY CẢNG BIỂN THỪA THIÊN HUẾ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 152 /QĐ-CVHHTTH ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nội quy này quy định cụ thể về hoạt động hàng hải tại cảng biển Thừa Thiên Huế và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế trên cơ sở quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải (sau đây gọi tắt là “Nghị định số 58/2017/NĐ-CP”) và các quy định pháp luật khác liên quan.

2. Phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là “vùng nước cảng biển”) được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các văn bản khác liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nội quy này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài hoạt động tại cảng biển Thừa Thiên Huế.

2. Cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định có liên quan tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và Nội quy này.

Điều 3. Cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và các thông tin khác

1. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển Thừa Thiên Huế là Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế cụ thể như sau:

a) Trụ sở Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế

- Địa chỉ: số 06 Nguyễn Văn Tuyết, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

- Điện thoại : 0234.3866156

- Fax           : 0234.3866240

- Email        : cangvu.hue@vinamarine.gov.vn

b) Đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây

- Địa chỉ: xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

- Điện thoại          : 0234.3872613

- Fax           : 0234.3872612

2. Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế, Đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây quy định tại Khoản 1 Điều này sau đây gọi tắt là Cảng vụ hàng hải.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

THỦ TỤC TÀU THUYỀN ĐẾN, RỜI CẢNG BIỂN

Điều 4. Yêu cầu chung đối với tàu thuyền đến cảng biển

1. Tàu thuyền đến vùng nước cảng biển phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 và Mục 1 Chương IV Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, tàu thuyền đến vùng nước cảng biển phải có chiều dài, trọng tải, mớn nước, độ cao tĩnh không và các thông số kỹ thuật liên quan khác phù hợp với điều kiện thực tế của luồng hàng hải, cầu, bến cảng, vùng nước trước cầu cảng, khu nước, vùng nước và các công trình khác đã được các cơ quan có thẩm quyền công bố theo quy định.

Điều 5. Thông báo, xác báo tàu thuyền đến, rời cảng biển

Thông báo, xác báo tàu thuyền đến, rời cảng biển thực hiện theo quy định tại các Điều 87, Điều 88 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP hoặc quy định liên quan về thủ tục điện tử cho tàu thuyền.

Điều 6. Điều động tàu thuyền trong vùng nước cảng biển

1. Việc điều động tàu thuyền neo đậu, di chuyển vị trí, cập cầu, cập mạn hoặc tiến hành các hoạt động tương tự khác trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, tàu thuyền khi hoạt động tại vùng nước cảng biển phải chấp hành quy định tại Khoản 3 Điều 63 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

3. Phương tiện thuỷ nội địa, tàu cá chỉ được neo đậu tại vị trí được Cảng vụ hàng hải chỉ định.

Điều 7. Thủ tục tàu thuyền đến, rời cảng biển

1. Thủ tục tàu thuyền đến, rời cảng biển thực hiện theo quy định tại các Mục 2, Mục 3, Mục 4 và Mục 5 của Chương IV Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Quy định miễn, giảm thủ tục tàu thuyền vào, rời cảng biển đối với các trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

3. Địa điểm làm thủ tục:

Trừ trường hợp địa điểm làm thủ tục được thực hiện tại tàu theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 77 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP, địa điểm làm thủ tục quy định như sau:

a) Khu vực Thuận An: tại trụ sở Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế;

b) Khu vực Chân Mây: tại trụ sở Đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế tại Chân Mây.

4. Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện thủ tục điện tử đối với tàu thuyền theo quy định.

Mục 2

THÔNG TIN LIÊN LẠC TẠI CẢNG BIỂN

Điều 8. Sử dụng phương tiện thông tin liên lạc

1. Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài liên lạc với Cảng vụ hàng hải theo địa chỉ, số điện thoại, fax, thư điện tử quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nội quy này. Trường hợp cần thiết, có thể liên lạc qua Đài thông tin duyên hải tại khu vực.

2. Việc sử dụng VHF thực hiện theo quy định dưới đây:

a) Duy trì liên lạc trên kênh trực canh 16; kênh làm việc 68 hoặc các kênh được chỉ định khác;

b) Tên, hô hiệu (nếu có) của tàu thuyền hoặc của đơn vị, cá nhân chỉ được nêu không quá ba lần trong một lần gọi hoặc trả lời. Trên kênh trực canh, việc gọi và trả lời phải được tiến hành nhanh chóng và chuyển sang kênh làm việc ngay sau khi đã liên lạc được với nhau;

c) Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được làm ảnh hưởng đến việc thông tin liên lạc của Cảng vụ hàng hải trên các kênh 16, 68. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân, tàu thuyền thực hiện các cuộc gọi trên kênh 16 trong thời gian có tín hiệu cấp cứu hoặc thông tin khẩn cấp phát trên kênh này;

d) Ngôn ngữ sử dụng trên VHF khi liên lạc, làm việc là tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Điều 9. Xác báo thông tin về điều động tàu thuyền

1. Chậm nhất ngay trước thời điểm điều động và ngay sau khi kết thúc việc điều động, tàu thuyền phải xác báo cho Cảng vụ hàng hải.

2. Thuyền trưởng tàu thuyền có hoa tiêu có thể uỷ quyền cho hoa tiêu dẫn tàu thực hiện các yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều này.

Mục 3

HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU THUYỀN TẠI CẢNG BIỂN

Điều  10. Lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ hàng hải

1. Lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ hàng hải được thể hiện dưới các hình thức sau:

a) Kế hoạch điều động tàu thuyền;

b) Lệnh điều động;

c) Giấy phép chạy thử tàu;

d) Giấy phép rời cảng;

đ) Giấy phép quá cảnh;

e) Giấy phép vào/rời cảng, bến (đối với phương tiện thủy nội địa);

g) Lệnh điều động trực tiếp qua VHF, điện thoại hoặc hình thức phù hợp khác.

2. Sau khi nhận được lệnh điều động, trường hợp xét thấy không đủ điều kiện thực hiện, thuyền trưởng hoặc tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm báo cáo Cảng vụ hàng hải biết để xử lý kịp thời.

3. Kế hoạch điều động tàu thuyền hàng ngày được Cảng vụ hàng hải thông báo kịp thời đến tổ chức, cá nhân, tàu thuyền liên quan.  

Điều 11. Hành trình của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển

Khi hoạt động trong vùng nước cảng biển, tàu thuyền phải chấp hành quy định về quy tắc tránh va và các yêu cầu sau:

1. Duy trì liên lạc với Cảng vụ hàng hải và chấp hành chỉ dẫn hoặc khuyến cáo của trực ban Cảng vụ hàng hải.

2. Nếu điều kiện thực tế cho phép và đảm bảo an toàn, phải bám càng sát càng tốt mép luồng phía mạn phải của tàu. Nghiêm cấm tàu thuyền hành trình cắt hướng gây trở ngại cho tàu thuyền khác đang hành trình trên luồng.

3. Tàu cá và tàu thuyền nhỏ khác nếu có thể hành trình an toàn ngoài luồng thì không được gây trở ngại đến hành trình của tàu thuyền lớn chỉ có thể hành trình an toàn trong phạm vi giới hạn của luồng.

4. Tuân thủ quy định khi hành trình trên đoạn luồng một chiều.

5. Trừ trường hợp phải tránh một nguy cơ đâm va trước mắt, nếu điều kiện kỹ thuật của tàu thuyền cho phép và không có quy định khác, tàu thuyền phải hành trình với tốc độ theo giới hạn sau đây:

a) Luồng Thuận An: tốc độ không vượt quá 05 hải lý/giờ.

b) Luồng Chân Mây: tốc độ không vượt quá 08 hải lý/giờ.

6. Việc hạn chế tốc độ quy định tại Khoản 5 Điều này không áp dụng đối với các tàu thuyền: công vụ, cứu hỏa, cứu nạn khi đang làm nhiệm vụ và tàu thuyền cao tốc có thiết kế chuyên dụng khác.

7. Tàu thuyền phải chủ động di chuyển với tốc độ an toàn  khi hành trình tại khu vực: luồng hẹp, khu quay trở, đang có hoạt động ngầm dưới nước, thi công công trình, nạo vét luồng, thả phao tiêu, trục vớt, cứu hộ, xếp dỡ hàng hoá, neo đậu và điều động của tàu thuyền khác. Ngoài ra, đối với luồng vào khu vực Thuận An phải thực hiện quy định sau đây:

- Tàu thuyền không được tránh, vượt nhau đoạn khu vực kè đá (tại cặp phao P.E2 - P.4A và cặp phao P.7 - P.8).

- Tàu thuyền có chiều dài từ 80 mét trở lên không được vượt nhau trên luồng từ phao số 0 đến phao số 9.

Điều 12. Cập mạn tàu thuyền

1. Trừ tàu công vụ, tàu hoa tiêu đang làm nhiệm vụ và các trường hợp khẩn cấp, cấm tàu thuyền cập mạn tàu thuyền khác khi chưa được Cảng vụ hàng hải chấp thuận.

2. Việc cập mạn tàu thuyền trong vùng nước cảng biển thực hiện theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các yêu cầu sau đây:

a) Phương tiện cập mạn tàu để làm hàng tại khu chuyển tải chỉ được cập hàng một mỗi bên mạn.

b) Các phương tiện cập mạn tàu để cấp nhiên liệu, làm hàng xăng dầu hay hàng nguy hiểm khác chỉ được cập hàng một theo chỉ định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

c) Thuyền trưởng tàu thuyền liên quan phải thỏa thuận, thống nhất áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn khi cập mạn.

d) Chỉ khi có kế hoạch chính xác về thời gian làm hàng, tàu thuyền mới được phép hành trình từ vị trí neo đậu đến vị trí cập mạn.

Điều 13. Hoạt động cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản trong vùng nước cảng biển

1. Việc cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong vùng nước cảng biển phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan và phải được Giám đốc Cảng vụ hàng hải chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 110 của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Đóng đúng vị trí, thời gian trong văn bản chấp thuận.

b) Đăng, đáy và các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cố định khác phải được trang bị đèn hiệu, dấu hiệu theo quy định có liên quan của pháp luật.

c) Đóng cách xa luồng, công trình ngầm, đèn biển, nhà đèn, bến phao, báo hiệu hàng hải và các công trình khác theo quy định.

d) Cấm đóng đăng, đáy theo kiểu chữ chi hoặc cài răng lược trong vùng nước cảng biển.

2. Không được sử dụng các loại đăng, đáy di động, lưới rê, lưới vét hoặc các phương tiện khác để đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nếu việc đó làm trở ngại đối với hoạt động của tàu thuyền.

3. Khi không sử dụng đăng, đáy hoặc các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cố định khác, phải tự dỡ bỏ, nhổ hết các cọc đã cắm và thanh thải các chướng ngại vật khác do hoạt động đăng, đáy hoặc các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cố định khác tạo ra.

4. Nghiêm cấm hành vi cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trên luồng hàng hải, hành lang bảo vệ luồng, vùng đón trả hoa tiêu, khu neo đậu, khu chuyển tải, vùng nước trước bến cảng trong vùng nước cảng biển.

Điều 14. Bảo đảm an toàn khi tàu thuyền quay trở

1. Trừ tàu lai dắt đang làm nhiệm vụ hỗ trợ tàu thuyền quay trở, tàu thuyền khác không được vượt qua hay điều động vào vùng quay trở khi ở đó đang có tàu thuyền quay trở.

2. Tàu thuyền trước, trong khi quay trở phải tăng cường cảnh giới và sử dụng các phương tiện thông tin phù hợp để báo cho các tàu thuyền khác đang đến gần biết về tình trạng hiện tại cũng như dự kiến điều động của tàu mình ngay từ khi những tàu thuyền đó còn ở khoảng cách an toàn.

3. Khi điều kiện thực tế cho phép và không có quy định khác, tàu thuyền có thể điều động quay trở tại khu vực thủy diện bến cảng, bến phao để rời hoặc cập cầu cảng, bến phao hay rời, cập mạn tàu thuyền nếu đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng tới hành trình, neo đậu của tàu thuyền khác.

Điều 15. Bảo đảm an toàn đối với việc neo đậu của tàu thuyền

1. Tàu thuyền neo đậu trong vùng nước cảng biển phải chấp hành các quy định liên quan tại Điều 62, Điều 65, Điều 66 và Điều 69 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Khi cần thay đổi vị trí neo đã được chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo ngay cho trực ban Cảng vụ hàng hải biết rõ lý do và chỉ khi có sự chấp thuận mới được tiến hành điều động tàu đến vị trí neo mới theo chỉ định, trừ trường hợp bất khả kháng hay để tránh một nguy cơ đâm va trước mắt.

Mục 4

HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 16. Yêu cầu đối với hoạt động hoa tiêu hàng hải

Hoạt động hoa tiêu hàng hải trong vùng nước cảng biển phải thực hiện theo quy định tại Chương XI Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Mục 6 Chương IV Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 17. Lập kế hoạch, thông báo, xác báo kế hoạch dẫn tàu

1. Việc lập kế hoạch, thông báo, xác báo kế hoạch dẫn tàu và triển khai thực hiện kế hoạch điều động tàu thuyền hàng ngày của Cảng vụ hàng hải thực hiện theo quy định tại Điều 103 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Hàng ngày, các tổ chức hoa tiêu hoạt động trong vùng nước cảng biển có trách nhiệm trao đổi thông tin và phối hợp lập kế hoạch dẫn tàu phù hợp, đảm bảo dẫn tàu hành trình an toàn trên luồng hàng hải, vùng nước cảng.

3. Tổ chức hoa tiêu hàng hải có trách nhiệm thông báo kịp thời đến hoa tiêu được phân công dẫn tàu về Kế hoạch điều động tàu thuyền hàng ngày của Cảng vụ hàng hải và những thay đổi (nếu có).

 

Điều 18. Yêu cầu khi đón, trả hoa tiêu

Tàu thuyền khi đến gần tàu hoa tiêu để đón hoặc trả hoa tiêu phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất đủ để ăn lái, giữ liên lạc với tàu hoa tiêu trên kênh VHF được chỉ định và bố trí thang hoa tiêu theo quy định ở mạn dưới gió hoặc theo yêu cầu của hoa tiêu dẫn tàu để hoa tiêu lên, rời tàu an toàn. Thang hoa tiêu phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, được chiếu sáng vào ban đêm, bố trí người trực và trang thiết bị cứu sinh theo quy định.

Điều 19. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hoa tiêu hàng hải khi dẫn tàu

1. Hoa tiêu hàng hải khi dẫn tàu thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định tại Điều 251, Điều 253 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 và Điều 104, Điều 105 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Hoa tiêu dẫn tàu có trách nhiệm thông báo kịp thời cho trực ban Cảng vụ hàng hải biết các thông tin sau: 

a) Thời điểm lên hoặc rời tàu.

b) Khi có nhiều tàu cùng tiếp cận “Vùng đón trả hoa tiêu” để tiếp nhận chỉ dẫn, khuyến cáo an toàn của trực ban Cảng vụ hàng hải.

c) Thực hiện quy định khác.

3. Trường hợp tàu mình đang dẫn xảy ra tai nạn, sự cố hàng hải hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, hoa tiêu phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết và chậm nhất 24 giờ sau khi trở lại bờ phải gửi báo cáo bằng văn bản cho Cảng vụ hàng hải. Nội dung báo cáo phải nêu rõ: tên hoa tiêu, tên tàu, diễn biến và biện pháp khắc phục hậu quả đã được tiến hành, kết quả thực hiện các biện pháp đó và kiến nghị (nếu có).

Điều 20. Nghĩa vụ của thuyền trưởng khi tự dẫn tàu

Trong trường hợp được phép tự dẫn tàu theo quy định tại Khoản 2 Điều 104 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP, chậm nhất 02 giờ trước khi điều động tàu trong vùng nước cảng biển, thuyền trưởng phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết về việc tự dẫn tàu và phải xuất trình bản chính Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải, Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải khi được yêu cầu.

Điều 21. Trách nhiệm phối hợp giữa hoa tiêu, thuyền trưởng và doanh nghiệp cảng

Trước khi điều động, dẫn tàu vào, rời cầu cảng, bến phao, thuyền trưởng hoặc hoa tiêu phải liên lạc với thuyền trưởng tàu lai (đối với tàu sử dụng tàu lai hỗ trợ) và doanh nghiệp cảng để kiểm tra tính sẵn sàng của tàu lai, cầu cảng, bến phao. Trong trường hợp tàu lai, cầu cảng, bến phao, công nhân buộc cởi dây chưa sẵn sàng, thuyền trưởng hoặc hoa tiêu dẫn tàu phải thông báo ngay cho trực ban Cảng vụ hàng hải để có biện pháp xử lý kịp thời.

Mục 5

SỬ DỤNG TÀU LAI HỖ TRỢ

TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN

Điều 22. Sử dụng tàu lai hỗ trợ

Việc sử dụng tàu lai hỗ trợ trong vùng nước cảng biển theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và quy định sau:

1. Trong điều kiện hàng hải bình thường, tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 80 m trở lên khi điều động cập, rời cầu cảng, bến phao; cập mạn tàu thuyền khác; di chuyển vị trí, quay trở trong phạm vi vùng nước trước bến cảng, vùng nước bến phao phải sử dụng tàu lai hỗ trợ theo quy định sau:

a) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 80m đến dưới 90m phải sử dụng ít nhất một tàu lai hỗ trợ có công suất máy chính tối thiểu 500 HP.

b) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 90m đến dưới 100m phải sử dụng ít nhất hai tàu lại hỗ trợ, mỗi tàu có công suất máy chính tối thiểu 500 HP hoặc một tàu lai hỗ trợ có công suất máy chính tối thiểu 1000 HP.

c) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 100m đến dưới 110m phải sử dụng ít nhất hai tàu lai hỗ trợ, mỗi tàu có công suất máy chính tối thiểu là 500HP và 700HP hoặc một tàu lai có công suất máy chính tối thiểu 1200HP.

d) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 110m đến dưới 120m phải sử dụng ít nhất hai tàu lai hỗ trợ, mỗi tàu có công suất máy chính tối thiểu là 500HP và 1000HP hoặc một tàu lai có công suất máy chính tối thiểu 1500HP.

đ) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 120m đến dưới 130m phải sử dụng ít nhất hai tàu lai hỗ trợ, mỗi tàu công suất máy chính tối thiểu là 700HP và 1000HP hoặc một tàu lai có công suất máy chính tối thiểu 1700HP.

e) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 130m đến dưới 140m phải sử dụng ít nhất hai tàu lai hỗ trợ, mỗi tàu có công suất máy chính tối thiểu 1000HP.

g) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 140m đến dưới 150m phải sử dụng ít nhất hai tàu lai hỗ trợ, mỗi tàu có công suất máy chính tối thiểu là 1000HP và 1200HP.

h) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 150m đến dưới 160m phải sử dụng ít nhất hai tàu lai hỗ trợ, mỗi tàu có công suất máy chính tối thiểu là 1000HP và 1500HP.

i) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 160m đến dưới 170m phải sử dụng ít nhất hai tàu lai hỗ trợ, mỗi tàu có công suất máy chính tối thiểu là 1000HP và 1800HP.

k) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 170m đến dưới 190m phải sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 3.700HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 1.000 HP.

l) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 190m đến dưới 210m phải sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 4.500HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 1.300 HP.

m) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 210m đến dưới 230m phải sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 5.500HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 1.500 HP.

n) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 230m đến dưới 250m phải sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 6.500HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 1.700 HP.

o) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 250m đến dưới 270m phải sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 7.500HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 1.900 HP.

p) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 270m đến dưới 300m phải sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 8.500HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 2.200 HP.

q) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 300m trở lên sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 9.500HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 3.000 HP.

2. Trong điều kiện hàng hải không bình thường, Giám đốc Cảng vụ hàng hải xem xét, quy định cụ thể số lượng, công suất, tính năng tàu lai hỗ trợ tàu thuyền trên cơ sở tham khảo ý kiến đề nghị của thuyền trưởng/chủ tàu, tổ chức hoa tiêu hàng hải và doanh nghiệp cảng liên quan.

3. Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 80 mét khi điều động cập hoặc rời cầu cảng, quay trở, di chuyển vị trí nếu cần thiết để bảo đảm an toàn cũng có thể yêu cầu tàu lai hỗ trợ.

Điều 23. Miễn giảm tàu lai

Đối với tàu thuyền có thiết bị hỗ trợ điều động, Giám đốc Cảng vụ hàng hải xem xét miễn hoặc giảm số lượng, công suất tàu lai trên cơ sở tính năng của thiết bị hỗ trợ, kiến nghị của thuyền trưởng, tổ chức hoa tiêu hàng hải và các điều kiện thực tế khác.                           

Điều 24. Điều kiện và trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt

Thực hiện theo quy định tại Chương XII Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Chương IV Nghị định số 160/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển, các quy định khác có liên quan của pháp luật và yêu cầu sau:

1. Định kỳ hàng tháng (chậm nhất đến ngày 05 của tháng) báo cáo Cảng vụ hàng hải về tình hình hoạt động của các tàu lai thuộc doanh nghiệp hoạt động trong vùng nước cảng biển.

2. Chậm nhất 16 giờ 30 hàng ngày, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt phải gửi thông báo Kế hoạch tàu lai hỗ trợ của ngày kế tiếp cho Cảng vụ hàng hải. Trường hợp kế hoạch có thay đổi, phải kịp thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải chậm nhất 02 giờ sau khi nhận được yêu cầu cung cấp hoặc hủy bỏ dịch vụ.

3. Việc cung cấp dịch vụ tàu lai hỗ trợ khi điều động cập, rời cầu cảng, bến phao; cập mạn tàu thuyền khác; di chuyển vị trí, quay trở trong phạm vi vùng nước trước bến cảng, vùng nước bến phao phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định về công suất, số lượng và tính năng (loại) tàu lai.

Điều 25. Trách nhiệm của thuyền trưởng, hoa tiêu tàu thuyền được lai dắt, hỗ trợ và thuyền trưởng tàu lai

1. Thuyền trưởng, hoa tiêu tàu được lai dắt và thuyền trưởng tàu lai hỗ trợ có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải biết việc cung cấp tàu lai chậm trễ hoặc không đủ số lượng, công suất, loại tàu lai hỗ trợ theo quy định.

2. Trước khi đến vị trí thỏa thuận sử dụng dịch vụ lai dắt, thuyền trưởng tàu lai và thuyền trưởng tàu được lai phải trao đổi, thống nhất phương pháp lai hỗ trợ; vị trí để buộc dây lai hoặc vị trí lai đẩy, nếu tàu được lai có những vị trí đặc biệt để sử dụng cho việc tàu lai đẩy thì phải thông báo cho thuyền trưởng tàu lai biết.

3. Trường hợp tàu được lai có hoa tiêu dẫn tàu ở trên tàu, thuyền trưởng có thể trao đổi, ủy quyền cho hoa tiêu liên lạc với thuyền trưởng tàu lai.

4. Sử dụng dây lai dắt phải phù hợp và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

5. Dây mồi phải chuẩn bị sẵn sàng để sử dụng trong trường hợp đưa dây lai không thành công.

6. Đối với tàu thuyền có chiều dài lớn nhất trên 100 m phải có một dây buộc tàu chuẩn bị sẵn sàng phía trước mũi để có thể kết nối với tàu lai trong tình huống khẩn cấp.

Mục 6

AN TOÀN HÀNG HẢI, AN NINH HÀNG HẢI

VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 26. Bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải

1. Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định tại Mục 1 Chương V Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Tàu thuyền, bến cảng thuộc đối tượng áp dụng của Bộ luật Quốc tế về An ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code) phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Bộ luật này, các quy định pháp luật liên quan khác và Kế hoạch an ninh được phê duyệt.

Điều 27. Phương án bảo đảm an toàn hàng hải

Việc lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

Điều 28. Quản lý vận hành luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải và công bố thông báo hàng hải

1. Hoạt động quản lý, vận hành luồng hàng hải, báo hiệu hàng hải và công bố thông báo hàng hải thực hiện theo quy định tại Chương II, Chương III Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2. Tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải có trách nhiệm:

a) Bảo đảm các báo hiệu hàng hải thuộc trách nhiệm quản lý, vận hành đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và phù hợp với nội dung của thông báo hàng hải đã công bố.

b) Kịp thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải:

- Khi phát hiện có chướng ngại vật trên luồng; báo hiệu hàng hải bị hư hỏng, mất hoặc sai lệch.

- Trước và sau khi sửa chữa, khắc phục hư hỏng, mất hoặc sai lệch các báo hiệu hàng hải.

- Các thông tin cần thiết khác liên quan đến bảo đảm an toàn hàng hải.

c) Kịp thời cung cấp cho Cảng vụ hàng hải “Bình đồ đo sâu” thể hiện kết quả khảo sát, đo đạc độ sâu luồng hàng hải, vùng đón trả hoa tiêu, vùng quay trở do đơn vị mình tổ chức thực hiện.

d) Định kỳ hàng quý (chậm nhất đến ngày cuối tháng của tháng cuối quý) gửi báo cáo bằng văn bản tình trạng hoạt động của báo hiệu hàng hải về Cảng vụ hàng hải theo Mẫu số 17 quy định tại phụ lục ban hành kèm Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

Điều 29. Bảo vệ môi trường

Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các quy định sau:

1. Việc chuyển tải dầu hoặc hàng hóa nguy hiểm độc hại khác chỉ được thực hiện tại vị trí được cấp có thẩm quyền cho phép, trong điều kiện bảo đảm an toàn và thời tiết phù hợp. Khi thực hiện phải tuân thủ quy trình kỹ thuật an toàn bơm, chuyển hàng hóa và phải có phương tiện, trang thiết bị ứng cứu sự cố tràn dầu, phòng chống cháy nổ phù hợp thường trực tại vị trí làm hàng.

2. Doanh nghiệp cảng hoặc doanh nghiệp có chức năng hợp pháp khác khi tiếp nhận chất thải thu gom là chất thải lỏng lẫn dầu hoặc chất thải rắn, chất thải nguy hại từ tàu thuyền phải lập, lưu giữ nhật ký tiếp nhận, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định và có trách nhiệm báo cáo, cung cấp các thông tin, số liệu liên quan cho Cảng vụ hàng hải khi được yêu cầu.

3. Chất thải trong quá trình sửa chữa, cắt dỡ từ tàu cũ phải được thu gom triệt để, phân loại theo tính chất để có biện pháp tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy phù hợp.

4. Chất thải nguy hại không được trộn lẫn với chất thải thông thường. Nếu trộn lẫn thì được thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý như chất thải nguy hại.

5. Ống chuyển dầu giữa tàu chứa, kho chứa và tàu nhận dầu tại bến phao phải có van tự động khóa hoặc biện pháp phù hợp nhằm phòng tránh dầu tràn ra ngoài trong quá trình đấu nối hoặc thu ống.

Điều 30. Đổ rác, xả nước thải, nước dằn tàu và tiếp nhận, xử lý chất thải lỏng có dầu

1. Tàu thuyền, doanh nghiệp cảng hoặc tổ chức, đơn vị kinh doanh dịch vụ vệ sinh tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển phải thực hiện việc đổ rác, xả nước thải và nước dằn tàu theo quy định tại Điều 117 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

2. Rác sinh hoạt trên tàu thuyền phải được phân loại theo quy định và đựng trong vật chứa phù hợp để bàn giao cho đơn vị thu gom khi tàu đến cảng. Trừ trường hợp trên tàu có sử dụng lò đốt rác chuyên dùng, việc thu gom rác sinh hoạt trên tàu thuyền phải được tiến hành hàng ngày đối với tàu khách, 2 ngày một lần đối với các loại tàu thuyền khác.

3. Nước bẩn, cặn bẩn, dầu hoặc hợp chất có dầu và các loại chất độc hại khác phải được chứa vào két riêng và chuyển lên thiết bị thu gom trên bờ hoặc tàu chuyên dùng theo đúng quy định.

4. Tàu thuyền có nhu cầu thanh thải, xử lý chất thải lỏng lẫn dầu hoặc chất thải nguy hại khác phải khai báo với Cảng vụ hàng hải tại ‘‘Bản khai chung” khi tàu đến cảng và chỉ thực hiện sau khi được Cảng vụ hàng hải chấp thuận.

Điều 31. Kiểm dịch y tế, kiểm dịch thực vật, động vật

1. Thuyền trưởng tàu thuyền có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan Kiểm dịch y tế biết về tình trạng bất thường đối với sức khỏe của thuyền viên, hành khách và các yếu tố liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

2. Khi tàu thuyền có vận chuyển thực vật, động vật, sản phẩm động vật phải chấp hành quy định của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Tàu thuyền chỉ được phép tiến hành hun chuột, khử trùng, cách ly giám sát dịch bệnh hoặc các hoạt động kiểm dịch khác tại các vị trí do Cảng vụ hàng hải chỉ định trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trước và trong khi tiến hành phải trưng đèn hoặc treo cờ, dấu hiệu cảnh báo theo quy định, đồng thời phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực của tàu thuyền neo đậu.

Điều 32. Tìm kiếm, cứu nạn

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng biển có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn quy định tại Điều 107 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc trên tàu hoặc các trang thiết bị, vật dụng khác để phát tín hiệu cấp cứu giả. Trường hợp bất khả kháng hay do sơ suất trong khi sử dụng các trang thiết bị phát tín hiệu cấp cứu như phao EPIRB, MF/HF, VHF, DSC ..., thuyền trưởng phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải, đồng thời dùng mọi biện pháp để thông báo huỷ bỏ các tín hiệu cấp cứu đã phát trước đó.

 

Điều 33. Xử lý tai nạn hàng hải

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng biển phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định về nghĩa vụ tìm kiếm cứu nạn tại Điều 107 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan khác.

2. Khi xảy ra tai nạn hoặc sự cố hàng hải, thuyền trưởng có trách nhiệm:

a) Khẩn trương tiến hành các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền và tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nạn nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.

b) Thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết, đồng thời phải tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra sau tai nạn, sự cố hàng hải.

c) Gửi Cảng vụ hàng hải báo cáo tai nạn theo quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Mục 7

PHÒNG, CHỐNG CHÁY, NỔ

VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 34. Phòng, chống cháy, nổ

Thuyền trưởng, doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định về phòng, chống cháy nổ tại các Điều 113, Điều 114, Điều 115 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP, Luật phòng cháy chữa cháy và yêu cầu sau đây:

1. Trước khi thực hiện chuyển tải xăng dầu hoặc hàng hóa nguy hiểm khác tại khu chuyển tải, bến phao phải xây dựng phương án phòng, chống cháy, nổ trình Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Việc chuyển tải xăng dầu hoặc hàng hóa nguy hiểm khác chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và phòng, chống cháy, nổ theo quy định.

2. Khi xảy ra sự cố cháy, nổ trong phạm vi vùng đất cảng, vùng nước thủy diện cảng, thuyền trưởng và doanh nghiệp cảng liên quan có trách nhiệm thực hiện việc ứng phó kịp thời và thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy biết để phối hợp xử lý.

3. Định kỳ cuối Quý 1 hàng năm, doanh nghiệp cảng phải rà soát, bổ sung, sửa đổi phương án phòng, chống cháy, nổ trong phạm vi khu vực thuộc trách nhiệm quản lý, khai thác của doanh nghiệp cho phù hợp và sao gửi, báo cáo Cảng vụ hàng hải biết, giám sát.

Điều 35. Ứng phó sự cố môi trường

Thuyền trưởng, doanh nghiệp cảng và các doanh nghiệp hoạt động hàng hải tại cảng biển có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy định liên quan tại Điều 118, Điều 119 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Mục 8

TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP

HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI

Điều 36. Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng, bến phao

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, Điều 67, Điều 112, Điều 113, Điều 114, Điều 117 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP, các quy định khác có liên quan của pháp luật và yêu cầu sau đây:

1. Trước khi tiến hành xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, chủ đầu tư gửi Cảng vụ hàng hải bản sao quyết định đầu tư xây dựng công trình kèm theo bình đồ bố trí mặt bằng tổng thể, quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình và phương án đảm bảo an toàn hàng hải để tổ chức kiểm tra, giám sát theo quy định.

2. Sau khi hoàn thành thủ tục và được cấp thẩm quyền công bố mở cảng biển, bến cảng, cầu cảng hoặc bến phao, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Cảng vụ hàng hải các giấy tờ liên quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 hoặc Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP để tổ chức quản lý.

3. Định kỳ cuối Quý 1 hàng năm, báo cáo Cảng vụ hàng hải về điều kiện an toàn khai thác cảng, bến phao (giới hạn về điều kiện khí tượng, thủy văn, trọng tải tàu và các yêu cầu hạn chế khác).

4. Thông báo bằng văn bản kèm theo hồ sơ hạng mục sửa chữa, cải tạo, nâng cấp... cho Cảng vụ hàng hải trước khi tiến hành các hoạt động sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cầu, bến cảng, bến phao hoặc tiến hành các hoạt động khác ảnh hưởng đến an toàn hàng hải tại cảng biển; chỉ tiến hành các hoạt động này khi được Cảng vụ hàng hải chấp thuận.

5. Bố trí công nhân lành nghề, được trang bị bảo hộ lao động phù hợp để phục vụ buộc, cởi dây và xếp dỡ hàng hóa. Tổ trưởng trực tiếp phụ trách công nhân buộc, cởi dây tại cầu cảng phải được trang bị VHF cầm tay để bảo đảm việc liên lạc, trao đổi với Thuyền trưởng hoặc hoa tiêu tàu thuyền liên quan và phải được thông báo rõ về kế hoạch, cách thức buộc, cởi dây để chuẩn bị sẵn sàng trước khi tàu vào hoặc rời cảng.

6. Trong thời gian điều động tàu thuyền cập, rời cầu cảng và trong thời gian không có tàu cập cầu, các cần cẩu bờ không được vươn ra phía ngoài vùng nước trước cầu cảng. Trường hợp cần cẩu vươn ra ngoài vùng nước trước cầu cảng phục vụ công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ hay thực hiện công việc cần thiết khác, doanh nghiệp cảng phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết; đồng thời, áp dụng biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm an toàn theo quy định.

7. Ngay sau khi có kế hoạch tiếp nhận tàu thuyền, phải thông báo cho thuyền trưởng, đại lý của chủ tàu biết về thông số kỹ thuật của cầu cảng, bến phao và điều kiện an toàn khai thác.

8. Tất cả các phương tiện, thiết bị xếp, dỡ hàng hóa phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

9. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về kiểm soát tải trọng trong khu vực quản lý của mình; kịp thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi chở quá tải trọng cho phép.

10. Tàu thuyền sử dụng để phục vụ công tác bắt/tháo dây buộc tàu tại bến phao phải đảm bảo định biên, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và chấp hành các quy định liên quan tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP.

11. Thực hiện công tác kiểm soát an ninh tại cảng biển theo Kế hoạch an ninh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

12. Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới dự kiến ảnh hưởng trực tiếp vào khu vực phải:

- Tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới và triển khai ngay các kế hoạch, biện pháp cần thiết phòng chống, bảo vệ phương tiện, cầu bến, kho xưởng, hàng hóa, trụ sở…

- Thông báo kịp thời thông tin về diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới; điều kiện an toàn khai thác cảng để thuyền trưởng tàu thuyền neo đậu tại cảng chủ động tìm vị trí neo đậu, trú ẩn an toàn.

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phù hợp thực hiện lệnh điều động phối hợp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khi có yêu cầu của Cảng vụ hàng hải.

13. Khi tồn tại hàng hóa quá thời hạn làm thủ tục Hải quan có nguy cơ gây cháy nổ hoặc gây ô nhiễm môi trường, phải tổng hợp, thông báo cho Cảng vụ hàng hải và Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế biết.

Điều 37. Trách nhiệm của Đại lý tàu biển

Thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định số 160/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển, các quy định khác có liên quan của pháp luật và yêu cầu sau:

1. Trước khi tàu đến cảng biển phải cung cấp Nội quy cảng biển, đặc điểm, thông số kỹ thuật của luồng hàng hải, cảng/ bến phao, khu nước, vùng nước và đề nghị thuyền trưởng, chủ tàu nghiên cứu, chấp hành.

2. Chủ động liên hệ với Cảng vụ hàng hải và cơ quan chức năng để được thông báo các thông tin liên quan về điều kiện hàng hải và các khuyến cáo cần thiết khác về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải nhằm kịp thời cung cấp tới thuyền trưởng.

3. Chỉ được thực hiện chức năng dịch vụ đại lý tàu biển trong phạm vi công việc được chủ tàu ủy thác, phù hợp với điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và quy định liên quan khác của pháp luật.

4. Khi bố trí mới hoặc thay đổi đại lý viên làm dịch vụ đại lý hàng hải phải thông báo bằng văn bản cho Cảng vụ hàng hải và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biết.

5. Thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải.

Điều 38. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải biển

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 160/2016/NĐ-CP ngày 19/11/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển, và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 39. Trách nhiệm kê khai, niêm yết giá dịch vụ hàng hải

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải phải thực hiện kê khai và niêm yết giá dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 40. Tổ chức thực hiện

1. Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài khi hoạt động tại cảng biển Thừa Thiên Huế có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật hàng hải Việt Nam, Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và Nội quy này.

2. Ban hành kèm theo Nội quy này Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hàng hải. Giám đốc Cảng vụ hàng hải định kỳ cập nhật danh mục này.

3. Trưởng các phòng nghiệp vụ và Trưởng đại diện của Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Nội quy này.

 

 

-----------------------------------------------------------

 

CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

CẢNG VỤ HÀNG HẢI TT HUẾ

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 546/QĐ-CVHHTTH

Thừa Thiên Huế, ngày  17 tháng 5 năm 2018

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Sửa đổi Nội quy cảng biển Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 152/QĐ-CVHHTTH ngày 09/02/2018 của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế


Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;

Căn cứ Quyết định số 04/QĐ-TCCBLĐ ngày 07 tháng 7 năm 1995 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về việc thành lập Cảng vụ Thuận An (Nay là Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế);

Căn cứ Công văn số 578/CHHVN-PC ngày 07 tháng 02 năm 2018 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc phê duyệt Nội quy cảng biển thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Công văn số 1829/CHHVN-PC ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc chấp thuận điều chỉnh quy định về tàu lai tại Nội quy cảng biển Thừa Thiên Huế;

Theo đề nghị của Trưởng phòng Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi Điểm l Khoản 1 Điều 22 Nội quy cảng biển Thừa Thiên Huế ban hành kèm theo Quyết định số 152/QĐ-CVHHTTH ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế như sau:

“l) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 190m đến dưới 210m phải sử dụng ít nhất ba tàu lai hỗ trợ với tổng công suất máy chính tối thiểu 4.500HP, trong đó tàu có công suất máy chính tối thiểu 1.000HP.”

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Trưởng các phòng: Pháp chế, Thanh tra - An toàn an ninh hàng hải, Tổ chức - Hành chính, Tài vụ, Trưởng đại diện và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:                                                                                   

- Như Điều 3;                                                              

- Cục Hàng hải Việt Nam;

- UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế;

- BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên Huế;                              

- Trạm Kiểm dịch động vật, thực vật;

- Cty CP Cảng Thuận An;

- Cty CP Cảng Chân Mây;

- Cty TNHH MTV Hào Hưng Huế;

- Cty CP Rainbow Việt Nam;

- Cty CP Xăng dầu Dầu khí Thừa Thiên Huế;

- Hoa tiêu khu vực IV;

- Các Đại lý hàng hải tại khu vực;

- Lưu: VT, PC.

  GIÁM ĐỐC

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Ân Định