THỦ TỤC TÀU BIỂN NHẬP CẢNH

Thứ Sáu, 09/04/2021, 20:54 GMT+7

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tàu biển nhập cảnh

1. Trình tự thực hiện:

a) Nộp hồ sơ TTHC:

- Trước khi tàu đến vị trí dự kiến đến cảng người làm thủ tục gửi cho Cảng vụ

hàng hải nơi tàu đến các thông tin dưới đây:

+ Bản khai an ninh tàu biển theo mẫu: Đối với tàu biển chở hàng có tổng dung tích từ 500 trở lên, tàu chở khách và giàn khoan di động ngoài khơi hoạt động tuyến quốc tế, chậm nhất 24 giờ trước khi tàu dự kiến đến vị trí dự kiến đến cảng;

+ Thông báo tàu biển đến cảng biển (theo mẫu Bản khai chung): Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu đến vị trí dự kiến đến cảng; trường hợp tàu thuyền di chuyển giữa các cảng biển Việt Nam hoặc khu vực hàng hải không quá 20 hải lý thì chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền đến vị trí đến cảng. Tàu biển, tàu quân sự, tàu biển có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu vận chuyển chất phóng xạ, tàu biển đến theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông báo chậm nhất 24 giờ trước khi tàu dự kiến vị trí dự kiến đến cảng.

- Xác báo tàu đến cảng:

+ Tàu biển đến vị trí dự kiến đến cảng sớm hoặc muộn hơn 02 giờ so với thời gian trong thông báo tàu đến cảng biển phải thực hiện xác báo cho Cảng vụ hàng hải biết chính xác thời gian tàu đến vị trí dự kiến theo mẫu;

+ Trường hợp tàu biển có người ốm, người chết, người cứu vớt được trên biển hoặc có người trốn trên tàu, tàu biển phải thực hiện xác báo cho Cảng vụ hàng hải biết chính xác thời gian tàu đến vị trí dự kiến, các thông tin về tên, tuổi, quốc tịch, tình trạng bệnh tật, lý do tử vong và các yêu cầu liên quan khác theo mẫu.

- Chậm nhất 02 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc 04 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các trí khác trong vùng nước cảng theo Kế hoạch điều động, người làm thủ tục nộp, xuất trình các giấy tờ, tài liệu theo quy định. b) Giải quyết TTHC:

- Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm thông báo cho các tổ chức liên quan biết thông tin về việc tàu thuyền nhập cảnh để thực hiện thủ tục và phối hợp triển khai điều động, tiếp nhận tàu:

+ Cảng vụ hàng hải xử lý, giải quyết hồ sơ đối với tàu thuyền, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên và là cơ quan quyết định cuối cùng cho tàu thuyền nhập cảnh;

+ Hải quan cửa khẩu xử lý, giải quyết hồ sơ đối với hàng hóa, hành lý, nguyên, nhiên vật liệu trên tàu;

+ Biên phòng cửa khẩu xử lý, giải quyết hồ sơ đối với thuyền viên, hành khách,

người đi theo tàu, người trốn trên tàu và người lên, xuống tàu;

+ Kiểm dịch y tế xử lý, giải quyết hồ sơ đối với bệnh dịch liên quan đến con

người;

+ Kiểm dịch động vật xử lý, giải quyết hồ sơ đối với động vật trên tàu;

+ Kiểm dịch thực vật xử lý, giải quyết hồ sơ đối với thực vật chở trên tàu.

- Trên cơ sở thông báo, xác báo tàu đến cảng, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu biển đến vị trí dự kiến đến cảng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ điều kiện thực tế, thông số kỹ thuật của tàu, loại hàng, kế hoạch điều độ của cảng, kế hoạch dẫn tàu của tổ chức hoa tiêu và ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét quyết định chấp thuận cho tàu vào cảng thông qua Kế hoạch điều động theo mẫu; trường hợp không chấp thuận cho tàu vào cảng phải thông báo cho người làm thủ tục và nêu rõ lý do.

- Chậm nhất 01 giờ kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, các cơ quan quản lý nhà nước xử lý, giải quyết thủ tục chuyên ngành và thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết kết quả và Cảng vụ hoàn thành thủ tục; trường hợp tàu biển chưa hoàn thành thủ tục phải thông báo và nêu rõ lý do.

2. Cách thức thực hiện:

- Gửi Thông báo tàu đến, xác báo tàu đến, hồ sơ, giấy tờ của tàu thuyền theo quy định bằng Fax, khai báo điện tử, nộp trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính.

- Trường hợp làm thủ tục điện tử: người làm thủ tục thực hiện khai báo, gửi hồ sơ thông qua Cổng thông tin điện tử và không phải nộp, xuất trình giấy tờ tại địa điểm làm thủ tục. Trường hợp giấy tờ khai báo, gửi qua Cổng thông tin điện tử không bảo đảm điều kiện của chứng từ điện tử hoặc không đủ dữ liệu điện tử để kiểm tra, đối chiếu, người làm thủ tục nộp, xuất trình tại địa điểm làm thủ tục.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ:

- Các giấy tờ gửi bằng fax hoặc thư điện tử:

+ Bản khai an ninh tàu biển theo mẫu: đối với tàu biển chở hàng có tổng dung tích từ 500 trở lên, tàu chở khách và giàn khoan di động ngoài khơi hoạt động tuyến quốc tế;

+ Thông báo tàu đến cảng biển (theo mẫu Bản khai chung);

+ Xác báo tàu đến cảng (nếu có thay đổi thời gian đến theo quy định);

- Các giấy tờ phải nộp (bản chính), mỗi loại 01 bản, gồm:

+ Nộp cho Cảng vụ hàng hải: Bản khai chung theo mẫu, Danh sách thuyền viên theo mẫu, Danh sách hành khách (nếu có) theo mẫu, Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có) theo mẫu, Giấy phép rời cảng;

+ Nộp cho Biên phòng cửa khẩu: Bản khai chung theo mẫu, Danh sách thuyền viên theo mẫu, Danh sách hành khách (nếu có) theo mẫu, Bản khai vũ khí và vật liệu nổ (nếu có) theo mẫu, Bản khai người trốn trên tàu (nếu có) theo mẫu;

+ Nộp cho Hải quan cửa khẩu: Bản khai chung theo mẫu, Danh sách thuyền viên theo mẫu, Danh sách hành khách (nếu có) theo mẫu, Bản khai hàng hóa (nếu có) theo mẫu, Bản khai thông tin về vận đơn thứ cấp (nếu có) theo mẫu, Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có) theo mẫu, Bản khai dự trữ của tàu theo mẫu, Bản khai hành lý phải nộp thuế, bị cấm hoặc hạn chế của hành khách, thuyền viên, người đi theo tàu (nếu có) theo mẫu;

+ Nộp cho Kiểm dịch y tế: Giấy khai báo y tế hàng hải theo mẫu, Giấy khai báo y tế, thi thể, hài cốt, tro cốt (nếu có) theo mẫu, Giấy khai báo y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người (nếu có) theo mẫu;

+ Nộp cho Kiểm dịch thực vật: Bản khai kiểm dịch thực vật (nếu có) theo mẫu;

+ Nộp cho Kiểm dịch động vật: Bản khai kiểm dịch động vật (nếu có) theo

mẫu.

- Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính), bao gồm:

+ Trình Cảng vụ hàng hải: Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định, Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, Sổ thuyền viên, Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu về ô nhiễm môi trường đối với tàu vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác, Giấy chứng nhận an ninh tàu biển theo quy định, Văn bản chấp thuận cho tàu nước ngoài hoạt động đặc thù (nếu có);

+ Trình Biên phòng cửa khẩu: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của thuyền viên, hành khách;

+ Trình Kiểm dịch y tế: Phiếu tiêm chủng quốc tế của thuyền viên, Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế, Giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh tàu thuyền/Chứng nhận xử lý vệ sinh tàu thuyền (nếu có);

+ Trình Kiểm dịch thực vật: Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (nếu có);

+ Trình Kiểm dịch động vật: Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của nước xuất hàng (nếu có);

+ Khi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan yêu cầu trình: Hộ chiếu, Phiếu tiêm chủng quốc tế của hành khách (nếu có).

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết:

- Trên cơ sở thông báo, xác báo tàu đến cảng, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu

biển đến vị trí dự kiến đến cảng Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ điều kiện

thực tế, thông số kỹ thuật của tàu, loại hàng, kế hoạch điều độ của cảng, kế hoạch dẫn tàu của tổ chức hoa tiêu và ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét quyết định chấp thuận cho tàu vào cảng thông qua Kế hoạch điều động.

- Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, các cơ quan quản lý nhà nước xử lý, giải quyết thủ tục chuyên ngành và thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết kết quả và Cảng vụ hoàn thành thủ tục tàu biển nhập cảnh; trường hợp tàu biển chưa hoàn thành thủ tục phải thông báo và nêu rõ lý do.

5. Đối tượng thực hiện TTHC: Tổ chức, cá nhân.

6. Cơ quan thực hiện TTHC:

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cảng vụ hàng hải hoặc Đại diện Cảng vụ hàng hải;

b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện:

Không có;

c) Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính:

- Cảng vụ hàng hải hoặc Đại diện Cảng vụ hàng hải;

- Biên phòng cửa khẩu;

- Hải quan cửa khẩu;

- Kiểm dịch y tế;

- Kiểm dịch thực vật;

- Kiểm dịch động vật.

d) Cơ quan phối hợp: Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu, Kiểm dịch y

tế, Kiểm dịch thực vật, Kiểm dịch động vật.

7. Kết quả của việc thực hiện TTHC:

Kế hoạch điều động tàu thuyền.

8. Phí, lệ phí:

- Các loại phí được quy định tại:

+ Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 05/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải;

+ Thông tư số 90/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và Thông tư số 17/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2017 hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải;

+ Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.

- Lệ phí vào cảng biển: theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 261/2016/TT- BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính:

- Bản khai an ninh tàu biển;

- Bản khai chung;

- Xác báo tàu đến cảng (quá cảnh);

- Danh sách thuyền viên;

- Danh sách hành khách;

- Bản khai hàng hóa nguy hiểm;

- Bản khai vũ khí vật liệu nổ;

- Bản khai người trốn trên tàu;

- Bản khai hàng hóa;

- Bản khai thông tin về vận đơn thứ cấp;

- Bản khai dự trữ của tàu;

- Bản khai hành lý phải nộp thuế, bị cấm hoặc hạn chế của hành khách, thuyền viên, người đi theo tàu;

- Giấy khai báo y tế hàng hải;

- Giấy khai báo y tế, thi thể, hài cốt, tro cốt;

- Giấy khai báo y tế mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người;

- Bản khai kiểm dịch thực vật;

- Bản khai kiểm dịch động vật.

10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC: Không có.

11. Căn cứ pháp lý của TTHC:

- Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25/11/2015;

- Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;

- Nghị định số 74/2023/NĐ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng hải;

- Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 05/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải;

- Thông tư số 90/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và Thông tư số 17/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 02 năm 2017 hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải;

- Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.